[Tổng hợp 05/05] Sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng nguyên liệu công nghệp

[Tổng hợp 05/05] Sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng nguyên liệu công nghệp
[Tổng hợp 05/05] Sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng nguyên liệu công nghệp
  • NÔNG SẢN

Kết thúc phiên giao dịch 05/05, ngoại trừ dầu đậu tương, các mặt hàng trong nhóm nông sản đồng loạt tăng điểm.

Giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tăng 0.26% lên mức 1542.25 cents/giạ. Trong phiên hôm qua, việc giá ngô tiếp tục tăng đã khiến khả năng nông dân tại Mỹ sẽ dành một phần diện tích trồng đậu tương để gieo trồng ngô trở nên rõ nét hơn. Tuy chưa thể đánh giá chính xác tác động của yếu tố này, nhưng điều này sẽ giúp giá đậu tương khó có thể giảm sâu trong ngắn và trung hạn.

Giá dầu đậu tương giảm 0.19% về mức 63.46 cents/pound trong khi giá khô đậu tương tăng 0.69% lên mức 424.4 USD/tấn Mỹ. Diễn biến trái chiều của giá dầu thô và giá dầu cọ đã khiến dầu đậu tương chỉ giao dịch lình xình xung quanh mức giá mở cửa.

Giá ngô tăng 1.69% lên mức 708.50 cents/giạ. Dự báo trong những ngày tới, nông dân trồng ngô tại Brazil sẽ tiếp tục phải đối mặt với thời tiết khô hạn, và lượng mưa tại các cánh đồng sẽ là không đủ để giúp bù đắp cho những thiệt hại do việc thiếu độ ẩm gây ra trước đó. Bên cạnh đó, thông tin sản lượng ethanol của Mỹ tiếp tục tăng trong tuần trước cũng đã là yếu tố giúp lý giải cho đà tăng của giá.

Giá lúa mỳ tăng 2.44% lên mức 744.50 cents/giạ. Dự báo thời tiết cho thấy, bang North Dakota của Mỹ sẽ không có mưa đáng kể trong những ngày tới làm gia tăng khả năng cắt giảm sản lượng lúa mỳ tại đây và là yếu tố chính hỗ trợ giá.

  • CÔNG NGHIỆP

Hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng mạnh. Giá Arabica tăng 6.77% lên mức 149.85 cent/pound trong khi giá cà phê Robusta tăng 4.34% lên mức 1538 USD/tấn. Lo ngại về khả năng cắt giảm sản lượng cà phê trong niên vụ tới tại Brazil do thời tiết khô hạn kéo dài đã hạn chế việc bán hàng của nông dân và là yếu tố chính giúp lý giải cho đà tăng của giá. Thêm vào đó, việc giá tăng cũng khiến các lệnh “buy stop” được kích hoạt và đẩy giá lên cao hơn.

 

Giá đường thô tăng 2.39% lên mức 17.53 cent/pound. Việc giá dầu thô ở mức cao có thể sẽ khiến một số nhà máy lựa chọn sản xuất ethanol thay cho đường làm gia tăng khả năng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu. Thêm vào đó, mức dự báo sản lượng thấp tại Brazil vẫn tiếp tục là yếu tố “bullish”, hỗ trợ giá. 

Giá cacao tăng 3.06% lên 2395 USD/tấn trong phiên hôm qua. Lực mua kỹ thuật sau khi giá ca cao giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng vào ngày hôm qua đã là yếu tố chính khiến giá ca cao bật tăng trở lại. Tuy nhiên, với dự báo thặng dư ca cao toàn cầu trong niên vụ 2020/21, giá vẫn sẽ giữ vững xu hướng giảm.

Giá bông tăng nhẹ 0.18% lên mức 87.33 cent/pound. Lo ngại về làn sóng Covid-19 mới tại Ấn Độ sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất và xuất khẩu bông tại đây đã là yếu tố hỗ trợ giá. Ở chiều ngược lại, việc đồng Dollar tiếp tục tăng điểm trong phiên hôm qua đã hạn chế đà tăng này.

  • NĂNG LƯỢNG

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 05/05, giá 2 mặt hàng dầu thô diễn biến trái chiều với các mức thay đổi không đáng kể.

Giá dầu WTI giảm nhẹ 0.09% về mức 65.63 USD/thùng trong khi giá dầu thô Brent tăng nhẹ 0.12% lên mức 68.96 USD/thùng. Qua đó giúp cho giá xăng hầu như không đổi ở mức 2.1513 USD/gallon.

Tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 30/04 được EIA công bố ở mức 485.1 triệu thùng, giảm 8.0 triệu thùng so với tuần trước và thấp hơn mức 490.8 dự đoán trung bình của thị trường, và là yếu tố chính hỗ trợ giá dầu WTI trong phiên hôm qua.

Tuy nhiên, số liệu Bảng lương Phi nông nghiệp của ADP cùng với chỉ số PMI phi sản xuất của ISM đều thấp hơn mức dự đoán, đã khiến giá giảm trở lại vào cuối phiên.

Mặc dù Mỹ và châu Âu đang nới lỏng các hạn chế xã hội nhưng số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng tại Ấn Độ, Nhật Bản, hai trong số những quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới.

  • KIM LOẠI

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 05/05, các mặt hàng kim loại diễn biến trái chiều với mức thay đổi hầu như không đáng kể.

Giá bạc đóng cửa giảm 0.14% về mức 26.522 USD/ounce, trong khi giá bạch kim cũng giảm 0.24% xuống còn 1228.8 USD/ounce. Bất chấp việc giá vàng thế giới phục hồi khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm trở lại, khiến đồng Dollar đi ngang, cả hai mặt hàng này đều có sự điều chỉnh sau khi đã tăng vọt lên mức cao nhất hai tháng.

Chỉ số PMI phi sản xuất của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) tháng Tư được công bố ở mức 62.7, thấp hơn so với mức 64.3 dự đoán của thị trường và 63.7 trong báo cáo tháng trước, cũng góp phần tác động tiêu cực đến nhu cầu cho hoạt động sản xuất của 2 mặt hàng kim loại quý trên. Mặc dù vậy, đà giảm được hỗ trợ bởi số liệu Bảng lương Phi nông nghiệp (Nonfarm) của tổ chức tư nhân Automatic Data Processing (ADP) ở mức 742,000 việc làm, thấp hơn so với dự đoán 800,000 của giới phân tích. Các số liệu Nonfarm của chính phủ Mỹ sẽ được công bố chính thức vào 19h30 thứ Sáu tới đây.

Giá đồng đóng cửa tăng 0.06% lên mức 4.5240 USD/pound. Trong phiên có lúc đã chạm đến mức 4.7 USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhờ sự hưng phấn của thị trường trước sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế. Tốc độ phát triển kinh tế Mỹ đang ở mức nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980 đến nay, trong khi hoạt động sản xuất của Anh cũng tăng nhanh nhất trong gần 27 năm.

Bình luận