Nhìn lại Việt Nam 2021 – Những cơn sóng thị trường tài chính

Nhìn lại Việt Nam 2021 – Những cơn sóng thị trường tài chính
Nhìn lại Việt Nam 2021 – Những cơn sóng thị trường tài chính

Năm 2021, trong khi Việt Nam và thế giới đón nhận đợt bùng phát thứ tư của đại dịch SarsCoV-2, tưởng chừng như nền kinh tế, tài chính toàn cầu sẽ đi đến những kết quả bi quan hơn, nhưng với những nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm toàn cầu, những ảnh hưởng chính đã nhanh chóng được giải quyết, đó cũng là đòn bẩy cho sự phục hồi mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực kinh tế tài chính của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp ước đạt tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đóng góp 63,8% tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế Việt Nam (số liệu từ Bộ Công Thương). Cũng trong năm 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 11 tháng đầu năm đạt 26,46 tỷ USD, những tăng trưởng này giúp cho toàn bộ nền kinh tế sản xuất Việt Nam có được những động lực để bức phá và duy trì tốc độ tăng trường trong chu kỳ 5 năm trở lại.

Tăng trưởng vượt kỷ lục từ lĩnh vực xuất nhập khẩu đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2021 ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 336 tỷ đồng (số liệu từ Bộ Công Thương), đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid 19 và hàng loạt hoạt động vận tải bị tắt nghẽn.

Tài chính – Những sự bùng nổ, cơn sóng và kỷ lục!

Chỉ riêng trong thị trường chứng khoán Việt Nam, tốc độ tăng trưởng cả về điểm số lẫn thanh khoản hoàn toàn vượt bậc so với năm 2020 và còn lập liên tiếp hàng loạt kỷ lục. Chỉ riêng trong tháng 11/2021, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước vượt 200.000 đơn vị. Đưa tổng khối lượng mở lũy kế đến tháng 11 năm 2021 đạt 1,3 triệu đơn vị, gấp 3,3 lần cả năm 2020 và cao hơn so với mức gần 1,18 triệu đơn vị của 5 năm trước cộng lại.

Nhưng đó chưa phải là kỷ lục duy nhất, 6 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư được chứng kiến sự bùng nổ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm Bank – Chứng – Thép, chính sự bùng nổ này đưa VN-Index chinh phục mức đỉnh lịch sử năm 2018 (1.204,33 điểm) vào ngày 07/04/2021, với đà bức phá đó, chỉ số VN-Index liên tục lập đỉnh mới và đạt mốc 1.500,81 điểm vào phiên giao dịch ngày 25/11/2021. Đồng thời, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam cũng vươn lên mức kỷ lục. Cụ thể, tổng giá trị vốn hóa tại thời điểm 15/12/2021 đạt 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2020 và bằng 99% GDP. Chưa dừng lại ở đó, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt đỉnh 56.105 tỷ đồng vào ngày 15/12/2021, riêng sàn HoSE đã vượt qua cả Singapore thậm chí có một số phiên bằng cả thị trường Thái Lan, trong khi quy mô GDP chỉ bằng 2/3 Thái Lan.

Tuy nhiên, cũng chính vì sự tăng trưởng này khiến cho sàn HoSE liên tục gặp tình trạng nghẽn
lệnh từ cuối 2020 đến tận tháng 7/2021 mới có thể khắc phục được.

Bất động sản – Dấu ấn hạ tầng quy hoạch

Năm 2021, thị trường bất động sản tiếp tục phân hóa khi các dự án khu công nghiệp là điểm sáng, còn du lịch, nghỉ dưỡng vẫn ảm đạm. Trong đó, nổi bật nhất là các khu quy hoạch như dọc tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông (hơn 100 dự án), tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên (hơn 30 dự án). Cuối tháng 3/2021, Hà Nội chính thức phê duyệt bản quy hoạch bốn quận nội đô lịch sử, thông tin này là một cơ sở để xác định giá trị các dự án, đồng thời cũng sẽ góp phát bảo tồn và phát huy giá trị khu vực phố cổ.

Tuy nhiên, trái lại với những dấu ấn về quy hoạch, nguồn cung bất động sản thấp nhất trong 5 năm gần đây, đặc biệt là ở một số địa phương lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương. Nguồn cung thấp, thì nhu cầu cũng không mấy lạc quan, tính đến cuối năm 2021, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và các mô hình quy hoạch hạ tầng cao cấp ảm đạm, có giao dịch nhưng không đáng kể. Chưa kể tại các khu vực ảnh hưởng nặng của Covid-19, tình trạng các bất động sản thanh lý, đóng cửa hoặc duy trì ở mức tối thiểu khiến cho tình trạng nhà đầu tư chuyển nhượng để cắt lỗ ngày càng lan rộng.

Cuối năm 2021, một công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây sốt khi trúng thầu một lô đất ở Thủ Thiêm với tổng giá trị trúng thầu lên đến 1 tỷ Đô la Mỹ. Đến thời điểm hiện tại, một số thông tin từ Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất đấu giá này mặc dù chưa chính thức nhưng đã làm ảnh hưởng không ít đến toàn thị trường cả về bất động sản và chứng khoán.

Thái Đình Sang
Tổng hợp, phân tích từ An Lộc FSC

Bình luận